Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

KHÔNG NÊN BÔI KEM DƯỠNG ẨM KHI BỊ ECZEMA

 Nhiều bác sĩ gia đình thường xuyên kê kem bôi điều trị eczema mà có thể làm tình trạng bệnh tồi tệ hơn, một cuộc khảo sát cho thấy.


Những người mắc eczema thoa loại kem này có thể làm bệnh nặng thêm

Khoảng 90% bác sĩ đa khoa cho biết họ kê loại kem aqueous cream cho bệnh nhân, và đến lúc này 85% mới biết là mình kê đơn chưa đúng. Họ kê thuốc này như một loại kem chống khô da do các bệnh ngoài da như eczema. Tuy nhiên, nó lại chứa thành phần chất tẩy giống như xà phòng, chất vốn là khắc tinh của bệnh eczema.

“Nếu mắc bệnh eczema mà bôi kem chứa nước lên da thì nó sẽ làm cho bệnh tồi tệ hơn”, TS Tony Bewley, chuyên gia da liễu Bệnh viện Whipps Cross & Barts (London, Anh) cho biết. “Những người mắc eczema không nên thoa các sản phẩm dầu tự nhiên lên da vì nó sẽ làm da có xu hướng khô hơn”.

Tuy nhiên, loại kem dưỡng aqueous cũng không thực sự hữu ích vì nó không thực sự chứa nhiều dưỡng ẩm. Thực tế là kem dưỡng này có thành phần chất tẩy - mặc dù không nhiều như xà phòng thông thường nhưng cũng giống như các loại sữa tắm và vì thế nó sẽ không tốt cho người da khô hay bị eczema.

Một số loại kem tương tự có chứa sodium lauryl sulphate, một thành phần có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ làn da, làm cho da trở nên nhạy cảm hơn và tình trạng bệnh eczema tồi tệ thêm. Vì vậy những người dùng kem này với hy vọng làm mềm vùng da bị khô thì có thể thấy là da bong tróc và sần sùi hơn trước.

Thực tế, nhiều trẻ dùng kem dưỡng chứa nước bị hội chứng kích ứng da. Một nghiên cứu cho thấy 56% trẻ bị phản ứng bứt rứt khó chịu do dùng aqueous cream so với 17% trẻ dùng dược phẩm làm mềm da. Các dược phẩm dạng kem này sở dĩ ít gây kích ứng cho da là vì chúng không chứa thành phần sodium lauryl.

Mỗi người sẽ phù hợp với 1 loại kem nào đó và còn phải tùy thuộc vào mùa. Có những người cần loại kem giàu chất dưỡng ẩm vào mùa đông vì da họ quá khô và tuyến dầu ít hoạt động trong mùa đông lạnh và aqueous cream đáp ứng được yêu cầu này.

PHÒNG BỆNH ECZEMA CHO TRẺ

Eczema là một trong những căn bệnh về da có ảnh hưởng lớn đến hàng triệu người trên thế giới. Với trẻ em, eczema là một căn bệnh khá phổ biến và chiếm tỉ lệ khá cao so với những căn bệnh về da khác.


Ảnh minh họa

Những dấu hiệu của căn bệnh này thường xuất hiện khi trẻ khoảng từ 3-4 tháng tuổi, hai má của trẻ bắt đầu đỏ rực lên, hơi sần và không còn láng mịn như trước nữa. Trẻ thấy ngứa ngáy nên tìm cách dụi mặt vào ngực, vào vai mẹ hoặc đưa tay lên gãi vào hai má. Sau vài ba hôm, thấy mọc lên mụn nhỏ lấm tấm đỏ. Nếu không biết xử trí đúng cách, bệnh có thể lan xuống cả cẳng chân, mông, bụng... tạo thành nhiều mảng, có mụn nước hoặc chảy nước vàng, rất ngứa ngáy và khó chịu.


Để phòng ngừa bệnh eczema cho trẻ một cách hiệu quả nhất, các bậc phụ huynh nên thực hiện theo những bước đơn giản dưới đây:


- Giữ ấm da cho trẻ. Bạn nên thường xuyên giữ ấm cho làn da của trẻ không bị khô rát và ngứa ngáy và tăng độ ẩm cho làn da của trẻ bằng cách xoa lên da của trẻ (2 lần/ngày) những loại lotion có chứa chất dưỡng ẩm cao, không màu, không mùi và chứa các hoạt chất thân thiện với làn da của trẻ.


- Giữ cho phòng của trẻ luôn mát mẻ. Nhiệt độ cũng là một trong những yếu tố góp phần gây nên bệnh eczema. Do vậy, bạn nên chú ý giữ cho căn phòng của trẻ luôn sạch sẽ, mát mẻ bởi nếu không gian trong phòng của trẻ quá nóng sẽ làm cho trẻ đổ nhiều mồ hôi và khó thở, sẽ gây bất lợi cho sức khoẻ của trẻ.


- Giữ cho tay chân trẻ luôn sạch sẽ. Trẻ em thường làm tổn thương làn da của chúng trong quá trình vận động. Do vậy, thường xuyên cắt móng tay và giữ cho tay chân của bé luôn sạch sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa sự trầy xước có thể gây viêm da.


- Chế độ ăn uống hợp lý. Một chế độ ăn uống không hợp lý, không đầy đủ chất dinh dưỡng có thể dẫn đến các biến chứng gây nên bệnh eczema cho trẻ em. Hơn nữa, người mẹ mang thai không hấp thụ đủ dưỡng chất cũng là yếu tố chính dẫn tới sự hình thành các vấn đề bất lợi cho làn da của trẻ về sau. Do vậy, các bậc phụ huynh nên cho con trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, các bà mẹ đang mang thai cũng nên hấp thụ nhiều thực phẩm có lợi cho sức khoẻ như đậu tương, lạc, rau củ, hoa quả và lúa mì... để có lợi cho sự phát triển của thai nhi.


- Chọn trang phục chất liệu thiên nhiên. Bạn nên cho trẻ mặc các trang phục có chất liệu vải tự nhiên như cotton. Không nên cho trẻ mặc các trang phục có nhiều chi tiết rườm rà cọ trực tiếp với làn da của trẻ. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn các loại chăn mền, khăn lót có chất liệu vải mềm mại, thoáng khí.


- Sử dụng các sản phẩm rửa tay an toàn. Làn da của trẻ rất mỏng manh, nhạy cảm và dễ bị kích ứng khi tiếp xúc với các chất hóa học gây hại có chứa trong các sản phẩm tẩy rửa. Những chất hóa học này sẽ dễ dàng xâm nhập vào lỗ chân lông trên làn da của bé, tác động bất lợi cho hệ thống miễn dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh eczema phát triển. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên chọn các sản phẩm tẩy rửa không chứa chất hóa học hây hại để bảo vệ sức khoẻ cho làn da của trẻ.

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

ĂN CÁ GIÚP GIẢM BỆNH ECZEMA Ở TRẺ NHỎ

Ảnh minh họa

Những thập niên gần đây, tỷ lệ mắc bệnh eczema dị ứng tăng đột biến ở các nước phát triển, sự gia tăng này chủ yếu là do chế độ ăn uống và môi trường sống bị ô nhiễm. Từ trước tới nay người ta cho rằng, cá là thực phẩm không nên dùng cho trẻ nhỏ vì đặc tính gây dị ứng của nó. Nhưng hiện nay, các nhà khoa học phát hiện chế độ ăn có cá có thể bảo vệ trẻ không bị các bệnh da thường gặp. Nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển cho biết, trẻ ăn cá trước 9 tháng tuổi sẽ giảm nguy cơ bị eczema. Theo đó, khi trẻ được 6 tháng tuổi, nhiều cha mẹ được hỏi về chế độ ăn của trẻ và những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh eczema, những câu hỏi được hỏi lại khi trẻ được 1 tuổi. Kết quả cho thấy: Trong 1 năm đầu đời, 1/5 số trẻ bị bệnh eczema. Trẻ ăn cá trước 9 tháng tuổi thì giảm được 25% nguy cơ bị bệnh eczema. Tuy nhiên, di truyền cũng là yếu tố liên quan đến bệnh, trẻ có mẹ hoặc anh chị em ruột bị bệnh eczema tăng 2 lần nguy cơ bị bệnh này khi 1 tuổi. Biết thông tin này, sang năm mới các bạn nhớ cho con ăn cá trong thực đơn hàng ngày để phòng bệnh cho trẻ nhé.

ECZEMA LÀM TĂNG NGUY CƠ LIỆT DƯƠNG

Theo nghiên cứu mới ở Ðài Loan công bố, nam giới mắc bệnh eczema có 60% nguy cơ bị rối loạn chức năng cương dương so với những người đàn ông khác.


Ảnh minh họa

Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu bệnh án của 3.997 nam giới mắc chứng rối loạn cương dương so với gần 20.000 nam giới cùng độ tuổi không có tiền sử mắc chứng bệnh này. Sau khi xem xét các yếu tố về sức khỏe như bệnh tiểu đường, bệnh tim, lối sống... kết quả nghiên cứu cho thấy, gần 11% nam giới bị rối loạn cương dương mắc bệnh eczema trước khi chẩn đoán bất lực. TS. Shiu-Dong Chung, trưởng nhóm nghiên cứu cùng các cộng sự Trường đại học y Ðài Bắc cho biết, eczema hay còn gọi là chàm biểu hiện tình trạng da bị viêm ngứa, có mụn nước và da bong tróc vẩy. Hiện tượng viêm ảnh hưởng đến các mạch máu cũng như da và những nghiên cứu gần đây cho thấy, bệnh eczema cũng là nguyên nhân tăng nguy cơ liệt dương.

ÁNH NẮNG GIÚP GIẢM NGUY CƠ ECZEMA VÀ DỊ ỨNG

Chơi đùa dưới ánh mặt trời buổi sáng không chỉ giúp cơ thể tự tổng hợp vitamin D cần thiết cho quá trình phát triển xương ở trẻ nhỏ mà còn giúp trẻ tránh được nhiều nguy cơ mắc bệnh khác, trong đó có bệnh eczema và chứng dị ứng.


Ảnh minh họa

Kết quả này được các nhà khoa học thuộc Trung tâm Môi trường và Sức khỏe con người châu Âu đưa ra sau khi tiến hành một cuộc điều tra về chất lượng cuộc sống và thói quen của những trẻ em sinh sống ở những khu vực khác nhau tại Australia. Thực tế cho thấy, trẻ em sống ở miền Nam Australia - nơi có lượng ánh sáng ít hơn miền Bắc (mặt trời chiếu ít hơn trong ngày) - có tỷ lệ mắc eczema, hen và dị ứng cao hơn trẻ em sống ở miền Bắc. Ánh nắng mặt trời có vai trò rất lớn đối với sức khỏe con người, nhờ đó da tự tổng hợp nên vitamin D, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể đồng thời ngăn chặn nguy cơ mắc các bệnh ngoài da và hô hấp.

Cũng trong nghiên cứu này, TS. Nick Osborne - người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Môi trường và Sức khỏe con người của châu Âu cho biết, ngoài việc giúp tổng hợp vitamin D cho cơ thể, ánh nắng mặt trời còn có tác động diệt khuẩn trên bề mặt da, nhờ đó giúp ngăn chặn các bệnh ngoài da chẳng hạn như eczema.

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

CHỮA ECAEMA TỪ NGŨ GIA BÌ

Ngũ gia bì còn có tên gọi khác là cây chân chim, cây lằng, sâm nam, mạy tảng (tiếng Tày), co tan (Thái), xi tờ rốt (K'ho), lông veng vuông (Ba Na). Loại cây nhỏ, có thể cao 2-8m. Vỏ cây màu xám, cành nhỏ có lỗ bì. Lá kép hình chân vịt, mọc so le, có 6 - 8 lá chét, cuống lá dài 8-30cm, lá chét nguyên hình trứng, đầu nhọn hay hơi tù, dài 7 - 17cm, rộng 
Ngũ gia bì.
3 - 6cm. Cuống lá chét giữa dài hơn. Cụm hoa chuỳ hoặc chùm tán. Hoa nhỏ màu trắng, số cánh hoa và nhị bằng nhau, thường là 5 cánh. Quả mọng hình cầu, khi chín có màu tím sẫm. Cây mọc hoang rải rác khắp nơi, thường mọc ở ven rừng, chân núi, sườn đồi, nhiều nhất ở các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Hoà Bình, Ninh Bình, Bắc Giang...

Bộ phận dùng, chế biến làm thuốc là vỏ, rễ. Rễ đào về rửa sạch đất cát, bóc lấy vỏ hoặc thái mỏng nếu là rễ nhỏ, phơi hay sấy khô. Ngoài ra, còn dùng lá cây làm thuốc. Lá ngũ gia bì rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô trị bệnh eczema.


Theo y học cổ truyền, ngũ gia bì có vị đắng, chát, mùi thơm nhẹ, tính mát, có tác dụng làm ra mồ hôi, giải biểu. Trong dân gian, ngũ gia bì thường được sử dụng để chữa cảm sốt, họng sưng đau, thấp khớp, đau nhức xương khớp, vết thương sưng đau. Nhiều vùng người ta dùng lá tươi hoặc khô nấu canh ăn thay rau giúp tiêu hóa tốt hơn; rượu ngũ gia bì tăng lực, trừ phong thấp. Hiện nay, ngũ gia bì đã được sản xuất thành viên thuốc bổ (phối hợp với cao kim anh và vài loại khoáng vi lượng) chữa hạ đường huyết, suy nhược, kém ăn, thiếu máu...

Đơn thuốc chữa bệnh có sử dụng ngũ gia bì:

Chữa phong thấp đau nhức xương, giúp ăn ngủ ngon, tăng lực: Bột ngũ gia bì 100g ngâm trong 1.000ml rượu, hàng ngày uống 2 lần, mỗi lần 20ml. Cách làm rượu ngũ gia bì: Vỏ rễ ngũ gia bì cạo sạch lớp bẩn dính bên ngoài; Rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, xay tán thành bột. Cứ 100g bột ngũ gia bì cho 1 lít rượu gạo 45 độ, ngâm trong 10 ngày, lắc đều trước khi uống, uống mỗi lần 20ml trước mỗi bữa cơm trưa và chiều. Hoặc ngũ gia bì, mộc qua, tùng tiết, mỗi vị 120g, tán bột mịn, mỗi ngày uống 3 - 4g, ngày 2 lần.

Trị bệnh cước khí chân tay sưng đau: Vỏ rễ cây ngũ gia bì, lõi thông, hạt cau, củ gấu, tía tô, chỉ xác, ké đầu ngựa mỗi vị 8-16g, sắc uống 3 lần trong ngày, uống đến khi khỏi bệnh.

Chữa lở ngứa eczema: Lá ngũ gia bì, bạch chỉ, hy thiêm thảo (cây cỏ dĩ), rễ gấc, tỳ giải, thổ phục linh các vị bằng nhau: 20g. Sắc uống ngày một thang. Uống ngày 2 lần vào sáng và tối. Uống trong 7 ngày.

Chữa huyết áp thấp: Dùng viên ngũ gia bì, mỗi lần uống 5 viên, ngày 3 lần, 20 ngày là một liệu trình.

Người mệt mỏi, cảm sốt ra nhiều mồ hôi: Ngũ gia bì, mẫu đơn bì, xích thược, đương quy mỗi vị 40g, sao vàng tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g.

Chữa sổ mũi, đau họng: Rễ ngũ gia bì 15g, cúc hoa vàng (toàn cây) 35g sắc uống. Uống trong 3-5 ngày.

Lưu ý: Phụ nữ có thai không dùng được đơn thuốc có ngũ gia bì.

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI ECZEMA

Tin tốt với các em bị eczema – thông thường, eczema sẽ khỏi sạch trước khi các em bước vào tuổi 25. Cho đến lúc đó, các em có thể tìm hiểu các biện pháp phòng ngừa và kiềm chế căn bệnh này. 
Giảm ngứa  cho người bị Eczema
Chẳng hạn, nếu bị eczema và không thể sử dụng một số loại phấn trang điểm, cách em hãy kiếm các thương hiệu mà sản phẩm trang điểm của họ không chứa các chất gây kích ứng: mùi thơm, chất nhuộm màu. Bác sĩ da liễu có thể đưa ra một vài lời khuyên, giúp các em tìm ra các nhãn hiệu mỹ phẩm ít gây kích ứng cho da nhất.

Các em đừng đánh mất sự tự tin trong cuộc sống cũng như trong công việc của mình chỉ vì bị eczema. Việc tham gia vào các hoạt động ngoại khóa có thể là một cách lý tưởng để các em tạm quên đi căn bệnh đáng ghét này. Nếu một vài hoạt động ngoài trời sẽ làm cho bệnh thêm nặng như chơi bóng đá trên bãi cỏ, hãy đề nghị các bạn trong nhóm tham gia các trò chơi không gây hại cho làn da của các em nhé!

Mồ hôi cũng có thể làm cho bệnh eczema thêm nặng, mặc dù vậy, các em vẫn nên tập thể dục. Tập thể dục là cách lý tưởng để xả stress – chỉ cần đi bộ, đi xe đạp hay các hoạt động thể thao khác, vừa giữ cho da luôn mát mẻ, vừa giải tỏa căng thẳng.

PHÒNG NGỪA BỆNH ECZEMA

Eczema có thể không được chữa khỏi, nhưng các em có thể ngăn chặn nó tái phát bằng nhiều cách. Nếu bị eczema trên mặt, các em hãy rửa mặt thật nhẹ nhàng với sữa rửa mặt không làm khô da hay loại xà phòng tự chế, sử dụng kem dưỡng ẩm không chứa dầu gây ra mụn đầu trắng hay mụn đầu đen. Và chỉ sử dụng loại trang điểm và kem chống nắng không gây kích ứng
Eczema ở chân
Tránh các loại hóa chất làm cho da thêm mệt mỏi. Bên cạnh việc tránh sử dụng sữa rửa mặt, phấn trang điểm gây kích ứng.., các em cũng nên tránh các loại chất tẩy rửa gia dụng, xà phòng làm khô da, nước rửa chén và các loại nước có mùi thơm…

Tránh sử dụng nước nóng. Tiếp xúc quá nhiều với nước nóng hay xà phòng hoặc chất tẩy rửa có thể làm cho làn da của các em khô hơn, vì thế, hãy tắm (vòi hoa sen hoặc bồn tắm) với nước ấm – không nóng và mang bao tay nếu tay của các em phải làm việc trong nước lâu. Đảm bảo rằng kỳ cọ da nhẹ nhàng, vỗ nhẹ nhàng cho da khô, vì dùng khăn lau khô cũng có thể gây kích ứng phần da đã bị eczema của các em đấy.

Sử dụng chất liệu cotton. Quần áo được may bằng các loại vải tổng hợp như len có thể làm da của các em bị kích ứng. Quần áo chất liệu cotton là lựa chọn tốt hơn cả.

Làm ẩm da. Sử dụng loại kem dưỡng ẩm có mùi thơm như mỡ khoáng (Vaseline vàng) sẽ giúp ngăn ngừa da bị kích ứng và nứt nẻ.
Đừng gãi ngứa phần da bị eczema. Mặc dù rất khó để ngăn việc gãi ngứa, nhưng gãi ngứa có thể làm cho phần da bị eczema thêm trầm trọng hơn và khó khăn hơn trong việc chữa lành bệnh. Việc các em gãi ngứa có thể làm da bị trầy xước và vi khuẩn có thể xâm nhập vào, gây nhiễm trùng da.

Giữ cho cơ thể luôn mát mẻ. Thay đổi đột ngột nhiệt độ, đổ mồ hôi và cơ thể quá nóng có thể làm cho phần da bị eczema thêm trầm trọng.

Uống thuốc. Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc bác sĩ da liễu đã cho các em.

Thư giãn. Căng thẳng có thể làm eczema thêm trầm trọng, vì vậy, hãy cố thư giãn

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

DÙNG THUỐC NHƯ THẾ NÀO THÌ TRỊ KHỎI ECZEMA


Ngứa là chứng của nhiều bệnh ngoài da như eczema, liken phẳng, vẩy nến… hay toàn thân như xơ gan, tắc mật. Cơ chế chưa được rõ nhưng có giả thiết cho rằng đó là do yếu tố thần kinh dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa dẫn tới nhiễm độc hoặc cả hai. Ngoài ra còn do dị ứng (thời tiết, ăn uống, môi trường) hoặc cũng có khi là triệu chứng của một bệnh cụ thể như do nhiễm ấu trùng giun đũa… thì chỉ khi chữa khỏi bệnh mới hết ngứa.

Ngứa là triệu trứng bình thường
Nếu ngứa nhiều cần phải điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Có nhiều chất trung gian gây viêm và sự tác động của thần kinh trung ương làm người bệnh cảm thấy ngứa. Khi nhẹ, nếu quyết tâm làm một việc gì đó thì có thể quên đi, nhưng khi nặng, dai dẳng, không thể tập trung làm được việc gì cần phải dùng tới thuốc điều trị.

Các thuốc ngứa thường dùng

Calamin: Là hỗn hợp oxid kẽm (ZnO) kết hợp với 0,5% oxid sắt (Fe2O3) dùng để chống ngứa nhẹ, tại chỗ, do bị eczema, thủy đậu, cháy nắng, phát ban, do côn trùng cắn đốt, do chất độc trong cây sồi, cây thường xuân, cây thù du...

Crotamiton: Là thuốc kháng khuẩn, kháng ký sinh trùng song có tính chống ngứa nhanh, duy trì hiệu quả trong vòng 6 giờ. Thuốc tránh được sang thương, do đó chống nhiễm khuẩn thứ phát. Thuốc còn diệt được cái ghẻ, kháng liên, tụ cầu khuẩn, nên dùng trị ghẻ ngứa bị bội nhiễm có mủ. Dạng cream thấm tốt khi thoa nhẹ, không có chất mỡ, không để lại vết bẩn, dạng thuốc nước thích hợp cho chỗ sang thương có lông.

Thuốc dung nạp tốt, chỉ vài trường hợp ngoại lệ có dị ứng. Không dùng cho người có thai vì chưa rõ thuốc ngấm qua da có gây hại thai không. Không bôi thuốc lên núm vú và xung quanh (vì chưa rõ thuốc có tiết vào sữa hại cho trẻ không). Không để thuốc tiếp xúc với niêm mạc mắt (nếu vô ý dây vào thì phải rửa sạch ngay). Không dùng dạng cream trong các bệnh da cấp tính có dịch rỉ, không bôi lên vết thương (vì sợ thuốc ngấm sâu vào bên trong), không được bôi thuốc lên da mặt.

Dùng dạng cream bôi lên vùng da bị ngứa (2 lần/ngày) bôi lên toàn thân khi bị ghẻ (1 lần/ngày), dùng dạng lotion bôi lên đầu, tóc (1 lần/ngày) rồi để thuốc tự khô trong vòng 24 giờ khi bị chấy rận. Cần làm sạch da, đầu, tóc bằng nước sach, lau thật khô, sau đó mới dùng thuốc. Sau khi dùng thuốc lại phải làm lại như thế cho sạch thuốc. Mỗi đợt dùng 5 ngày thường thấy có hiệu quả, nếu chưa đỡ hẳn có thể kéo dài thêm (vì thuốc không gây hại). Nhưng nếu sau mỗi đợt dùng 5 ngày mà không thấy có đáp ứng gì thì nên khám lại cần thay thuốc.

Kháng histamin, corticoid uống: Trong chứng ngứa do bệnh toàn thân hay chứng ngứa do các bệnh ngoài da có yếu tố gây dị ứng (như eczema, liken do tăng dị ứng) thì nên uống kháng histamin, corticoid uống làm dịu ngứa.

Về kháng histamin, nên dùng kháng histamin H1 thế hệ mới (như loratadin, cetririzin, fexoterfenadin, ebastin). Tùy theo bệnh và sự đáp ứng từng người mà chọn loại thích hợp. Chẳng hạn, trong đa số người bị likhen phẳng thường dùng estating, fexoterfenadin thường cho kết quả tốt.

Về corticoid có thể dùng prednisolon, mehylprednisolon, betamethason và chỉ dùng cả tổng liều trong ngày vào một lần duy nhất vào buổi sáng.

Corticoid dùng ngoài: Các chứng ngứa do bệnh ngoài da như viêm da dị ứng, viêm da do thần kinh (liken đơn mạn, liken phẳng), chàm (kể cả chàm đồng xu, chàm ở tay và viêm da dạng chàm), tổ đỉa, viêm da tăng tiết bã nhờn ở đầu, vảy cá thông thường và các dạng vảy cá khác, vảy nến (ngoại trừ dạng vảy nến lan rộng), lupus ban đỏ hình đĩa, phản ứng dị ứng da do tiếp xúc... có thể dùng corticoid. Chỉ dùng corticoid cho người có đáp ứng với corticoid đó, nếu thử không thấy đáp ứng thì không nên dùng. Chỉ bôi một lớp corticoid mỏng lên da ngày vài lần, nếu bôi dày, bôi nhiều lần, kéo dài thì sẽ bị tác dụng phụ của corticoid và các thành phần phối hợp.

Corticoid đơn, thường chọn là clobetasol propionat 0,05% là loại mạnh, có hiệu quả cao, ít gây tác dụng phụ. Corticoid kép thường có hai loại: Loại thứ nhất là dạng mỡ (ointment) kết hợp betamethasol với salicylic acid được chỉ định khi có các biểu hiện viêm da, tăng sừng hóa, khô da... Loại thứ hai là dạng cream kết hợp betamethasol với clotrimazol, gentamicin được chỉ định khi có mặt hay có dấu hiệu nghi ngờ có thể bị nhiễm khuẩn hoặc nấm. Khi dùng cần chú ý:

- Không dùng sai chỉ định (do chú ý đến betamethson, quên thành phần phối hợp).

- Không dùng sai dạng bào chế: Với bệnh mạn, da khô ráo, hóa sừng phải dùng dạng mỡ có “độ đặc” nhất định, hoạt chất mới thấm vào da có hiệu lực. Với bệnh cấp, có dịch màu vàng rỉ ra nhiều, nếu dùng dạng mỡ thì dịch bị chặn lại, không thoát ra được gây ngứa ngáy, khó chịu, cần dùng dạng cream có “độ loãng” nhất định. Khi dùng sai chỉ định sẽ dẫn đến dùng sai cả dạng bào chế, làm cho bệnh nặng thêm.

Sau khi bôi, da sẽ bị nóng ngứa, kích ứng, khô da, viêm nang lông, phát ban dạng trứng cá, giảm sắc tố, viêm da quanh miệng, viêm da tiếp xúc dị ứng. Nếu băng chặt hay mặc quần áo bó chặt nơi bôi hoặc dùng lâu dài thì sẽ bị lột da (do salicylic), nhiễm khuẩn thứ phát (do corticoid làm giảm sức đề kháng của da) và có thể bị tác dụng phụ như khi uống (tuy rằng điều này ít xảy ra).

Trong điều trị ngứa, cần xác định nguyên nhân, dùng đúng thuốc, đúng liều mới có hiệu quả, an toàn.

DS. Hà Thủy Phước

DỊ ỨNG VỚI ĐIỆN THOẠI CŨ CÓ CHẤT LIỆU NIKEN

Những người đang sử dụng điện thoại kiểu cũ giờ đây đã có lý do để đổi máy mới: theo nghiên cứu mới, những kiểu điện thoại bàn phím cổ điển như Blackberry dễ chứa niken (kền), một kim loại gây nên chứng phát ban như eczema, hơn các mẫu điện thoại cảm ứng.

Điện thoại có dùng vật liệu Niken có thể gây bệnh ngoài da cho chủ sở hữu


Các bác sĩ chuyên khoa da liễu và dị ứng đã cảnh báo về các vấn đề của da liên quan đến điện thoại từ 10 năm trước, khi các bệnh nhân nhập viện với những vết lốm đốm đỏ, khô, ngứa, sưng phồng dọc xương gò má, quai hàm và tai. Các bác sĩ đã tìm ra rằng, những nốt phát ban này có xu hướng tự biến mất nếu bệnh nhân ngừng sử dụng điện thoại di động.

Rất nhiều báo cáo về các trường hợp tương tự có liên hệ tới dị ứng chất kền trên điện thoại di động, hội chứng này ảnh hưởng tới 17% phụ nữ và 3% nam giới. Các vấn đề về da liên quan tới loại dị ứng này thường gây nên do khuyên tai hoặc các loại đồ trang sức như đồng hồ đeo tay, khóa thắt lưng, mạ răng và trang điểm.
Để khẳng định giả thiết một số loại điện thoại ảnh hưởng nặng hơn những loại khác, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện ĐH Winthrop, Mineola, New York, đã thử nghiệm tổng cộng 72 chiếc điện thoại của 5 nhãn hiệu và 16 mẫu khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra vỏ bọc của từng chiếc điện thoại với một dụng cụ phát hiện kền đặc biệt ở 5 vị trí như bàn phím và loa.
Không có mẫu iPhone hay Android nào phản ứng dương tính với nikel, trong khi đó chất này lại được tìm thấy trên gần 30% điện thoại Blackberry và 90% điện thoại dùng bàn phím, gồm 6 loại của Samsung và cả 9 loại của LG. Nguyên tố coban, một kim loại khác có thể gây dị ứng, cũng phổ biến trên điện thoại phím, dù nó không thông dụng như nikel.

Các nhà sản xuất điện thoại giờ đây đã sử dụng các chất liệu nhẹ hơn như nhựa hay đồng để tạo tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Theo Luz Fonacier, trưởng khoa dị ứng Bệnh viện ĐH Winthrop, “đối với những người dị ứng nikel, có thể điều này lại biến thành việc tốt”.

Hơn 230 triệu người dân Mỹ đang sử dụng điện thoại di động. Nikel có thể được tìm thấy trong hầu hết các loại điện thoại nhưng chỉ thỉnh thoảng mới được gắn vào các phần bên ngoài, thường là quanh các nút bấm và bàn phím. Theo ông Fonacier, điều đó giải thích tại sao không có nikeo trên màn hình cảm ứng của iPhones và Android.

Jeannette Graf, bác sĩ da liễu tại trường Dược Mount Sinai, New York, cho rằng các trường hợp dị ứng điện thoại di động là cực kỳ hiếm nhưng không phải là chưa từng xảy ra đối với những người từng bị dị ứng nikel.
Những người sử dụng điện thoại di động nếu nghi ngờ mình bị dị ứng nikel cần tới gặp bác sĩ để kiểm tra. Các phương pháp chữa đơn giản có thể áp dụng như chọn một loại điện thoại khác, sử dụng tai nghe không dây hay mua một vỏ bọc nhựa cho điện thoại.
Phan Anh (theo News Health)

MẮC ECZEMA NẾU KHÔNG THAY GA GIƯỜNG THƯỜNG XUYÊN

Đó là cảnh báo của Tiến sĩ Adam Fox, chuyên gia hàng đầu của Anh về điều trị các chứng dị ứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.



Theo khảo sát tiến hành trên 2.000 người của công ty bán lẻ đồ nội thất Dunelm Mill (Anh), một nửa trong số đó không có thói quen thay ga giường thường xuyên.
Thường xuyên thay giặt ga giường
So với đàn ông, phụ nữ có vẻ là đối tượng ít để mắt tới vệ sinh giường chiếu. Hơn một nửa số phụ nữ được hỏi không giặt ga giường hàng tuần, 12% thay ga giường mỗi tháng một lần và 1% chưa bao giờ làm việc này.
Trong khi đó, các đấng mày râu lại tỏ ra rất chăm chỉ trong việc chăm sóc chỗ ngủ của họ. Có tới 40% nam giới tham gia khảo sát cho biết họ thay ga giường hàng tuần và 8% thậm chí còn thay ga thường xuyên hơn.
Theo Tiến sĩ Adam Fox, ga giường bẩn có thể dẫn tới một số vấn đề về sức khỏe: “Giữ vệ sinh phòng ngủ bằng cách thay ga trải giường không chỉ đơn thuần là để làm sạch chúng. Chúng ta dành tới 1/3 cuộc đời để ngủ và khi ngủ, mỗi người đều để lại “dấu tích của mình” trên giường.
Cơ thể loại bỏ hàng triệu tế bào da mỗi ngày, chúng có thể rụng xuống trong giấc ngủ và bám vào giường. Ngoài tế bào da chết, cơ thể còn tiết ra các chất dịch nhờn, mồ hôi và dầu trong quá trình ngủ, thu hút các conbọ bụi”.
Bản thân bọ bụi khá vô hại, tuy nhiên, chúng có thể kéo theo các chất gây dị ứng mà khi được hít vào cơ thể sẽ dẫn tới bệnh hen suyễn, viêm mũi hoặc thậm chí eczema.
Để giảm các tác hại do bọ bụi, các chuyên gia khuyến cáo giặt sạch ga giường 1-2 lần mỗi tuần ở nhiệt độ 60 độ C.